Chi Van đa ở Việt Nam có 7 loài đã được ghi nhận. Van đa được ưa chuộng bởi hoa lớn, màu đậm, bền và có hương thơm. Kích thước cây tương đối lớn, thân dài, thích hợp cho trang trí nội thất.
Là những loài xuất xứ từ vùng đất thấp hay núi cao trung bình nên hầu hết các loài Van đa đều dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Các loài Van đa rừng được nuôi trồng ở Việt Nam là những loài có lá dẹt, cần tránh nắng trực tiếp nhưng ưa sáng hơn chi Giáng hương. Mùa hè cây cần nhiều nước nhưng tránh đọng nước trên rễ. Cũng như các loài lan đơn thân khác nên hạn chế việc vận chuyển chậu làm động rễ cây. Khi cây phát triển quá lớn, có thể tách cây sang chậu mới. Ngâm cây vào nước cho mềm rễ rồi mới tách để tránh làm tổn thương rễ. Trồng Van đa cần có chỗ dựa cho thân và có chỗ cho rễ phát triển. Rễ Van đa phát triển mạnh và nhiều thì cây mới ra hoa tốt. Có thể trồng cây vào chậu treo không có chất trồng. Trường hợp này, chậu chỉ làm giá đỡ, còn rễ phát triển buông ngoài không khí.
Van đa là chi lan hay dùng để lai với các chi lan Hoàng Yến, Nhện, Phượng vĩ, Giáng hương hay Hồ điệp. Nhiều loài Van đa có hoa đẹp, phổ biến trên thị trường không phải là lan rừng.
* Lan Van đa Chanh (Vanda fuscoviridis)
Cây có thân mập, nhiều rễ lớn. Lá hình dải, dài. Cụm hoa dài 10-15cm. Hoa lớn, xếp thưa, màu vàng nâu, mép viền vàng chanh. Cánh môi màu vàng chanh, gốc màu trắng. Thường gặp loài lan này ở một số tỉnh vùng Đông Bắc như Cao Bằng trên núi đá vôi ở độ cao thấp.
Cây có hoa lớn, bền, thơm, thích hợp cho trồng treo, trang trí ngoại thất. Hoa nở tháng 5-6. Loài dễ trồng, chịu ánh sáng trung bình, 40-70% ánh sáng trực tiếp.
Loài tương tự hay gặp là Van đa Bắc (V. concolor) có hoa màu nâu, đậm ở mép, nhạt dần vào trong, cánh môi màu nâu nhạt, gốc có sọc thường gặp ở miền Bắc.
-
Lan Chi Ngọc điểm (Rhynchostylis)
Chi Ngọc điểm ở Việt Nam có 3 loài. Các loài của chi này nổi bật với hoa chùm gồm nhiều hoa nhỏ xếp dày thành bông, màu sắc tươi tắn với mùa thơm nhẹ. Ngọc điểm tuy có kích thước lớn nhưng thân không vươn quá dài nên có thể vừa thích hợp cho trang trí sân vườn thích hợp cho trồng treo ở cửa sổ, ban công có diện tích hẹp hơn.
Là những loài có xuất xứ từ vùng thấp hay núi cao trung bình nên các loài Ngọc điểm dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Rễ các loài Ngọc điểm lớn, phần nhiều bám vào gỗ hay chất trồng, ít khi buông rủ như rễ Van đa hay Giáng hương. Do đó trồng những loài này cần có chỗ bám cho rễ phát triển, thường cây lan được buộc sát vào gỗ hay thân cây cho rễ bò dọc theo gỗ. Hạn chế việc thay chậu, thay chỗ trồng vì sẽ làm tổn thương nhiều đến rễ đã bám vào chất trồng.
Các loài Ngọc điểm ưa sáng nhưng cần tránh nắng trực tiếp. Mùa hè cần tưới nước nhiều nhưng tránh để nước đọng ở rễ. Mùa đông giữ ẩm vừa phải, để cây chỗ sáng.
* Lan Ngọc điểm Đai châu (Rhynchostylis gigantea)
Còn gọi là Ngọc điểm Nghinh xuân (Tai trâu). Cây có thân mập, không cao, có nhiều rễ lớn. Lá dày màu xanh nổi cách vạch trắng dọc. Cụm hoa bông lớn, cong xuống, dài 20-30cm. Hoa xếp dày. Cánh dày màu trắng có nhiều đốm tím. Cánh môi trắng có vạch tím, đỉnh chia 3 thùy nhỏ. Đai châu có phân bố rộng ở nhiều vùng như Bắc Trung bộ, Tây Nguyên. Cây thường gặp trên núi đất ở độ cao thấp đến cao trung bình.
Ngọc điểm Đai châu (Rhynchostylis gigantea)
Đai châu là loài cây lan phổ biến được ưa chuộng do có hoa chùm đẹp, nở vào đầu xuân tháng 1-2 đúng dịp tết, dễ trồng, ưa sáng 50-70% ánh sáng. Mùa sinh trưởng (tháng 3-8) có thể bón phân hàng tuần bằng phân cân bằng (N-P-K) cho lá phát triển. Bón bằng phân giàu lân vào trước thời kỳ cây ra hoa (tháng 9-11). Hạn chế bón khi thời tiết quá lạnh. Một số người dùng phân hữu cơ như nước ốc, nước giải pha loãng để bón cho Đai châu, tuy có tác dụng nhưng không nên sử dụng những loại phân này vì dễ gây sâu bệnh, thối lá và làm bẩn môi trường trồng lan. Màu sắc hoa Đai châu thay đổi từ màu trắng, trắng đỏ cho đến màu đỏ tía. Một số giống Đai châu hoa đỏ là giống nhập từ Thái Lan và giống Trắng đỏ là giống lai.
* Lan Ngọc điểm Hải âu (Rhynchostylis coellestis)
Loài cây này có thân ngắn và lá nhỏ hơn. Cụm hoa đứng, dài 10-15cm. Hoa lớn, xếp dày, màu trắng với đốm lớn màu lam ở đỉnh. Cánh môi màu lam, gốc trắng, hoa thơm. Cây mọc trên núi đất ở độ cao trung bình ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên.
Ngọc điểm Hải âu (Rhynchostylis coellestis)
Do có cụm hoa đứng, màu lam tươi rất đẹp nên Hải âu là loài có giá trị trang trí cao. Cây ra hoa tháng 5-6, hoa nở trong khoảng 1 tuần. Loài tương đối dễ trồng, ưa sáng, ưa chỗ thoáng đãng.
Loài đáng chú ý khác: Ngọc điểm Đuôi sóc (Rh.retuasa) có hoa màu trắng đốm tím rất đẹp. gặp rải rác ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, tương đối khó trồng và khó ra hoa nên không phổ biến.