Cây phong ba tỏa bóng mát bình yên trên đảo

Cần biết – Trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có một loài cây dù rất thân quen nhưng chưa được đưa vào từ điển Tiếng Việt, đó là cây phong ba. Mặc dù vậy, cây phong ba vẫn ngày ngày tỏa bóng mát trên đảo giữa cái nắng chói chang của mặt trời.

Rất nhiều bạn đọc gửi thư hỏi chúng tôi – những người nghiên cứu và biên soạn Từ điển Tiếng Việt – về xuất xứ nguồn gốc, tên gọi của “cây phong ba”, vì theo họ, từ này chưa hề xuất hiện trong bất kì một cuốn từ điển tiếng Việt nào.

Đúng là chúng ta đã từng nghe nói nhiều đến cây phong ba, đặc biệt là thấy nhiều trong các bài bút kí, phóng sự, thơ… xuất hiện trên các báo viết về biển đảo Việt Nam. Nhưng có lẽ còn ít người được tận mắt thấy cây này (vì gần như chưa có trên đất liền) và cũng chưa biết nguồn gốc xuất xứ tên gọi của nó. Các nhà biên soạn Từ điển Tiếng Việt cũng chưa kịp bổ sung tên loài cây này vào từ điển, cũng bởi đây là loài thực vật đặc biệt và nguồn gốc tên của nó cũng rất đặc biệt.

Theo Wikipedia, “phong ba” là loài thực vật nhỏ, chỉ cao trung bình 3 – 6m, trong điều kiện phát triển tốt, cây có thể đạt chiều cao tới 10 – 15m, lá màu xanh sẫm, hay mọc ở những nơi đất cát. Thân gỗ mềm, cong queo, phân cành thấp. Cụm hoa xếp thành hai dãy màu trắng, nhỏ, chỉ 5mm. Quả hạch tròn đường kính khoảng 5 – 8mm mọc thành chùm. Quả tươi màu xanh lục, nhưng do tác động của nhiệt độ và ánh nắng, nó có thể ngả màu vàng hoặc nâu.

Theo phân loại thực vật học, “phong ba” là một loài thực vật thuộc họ Mồ hôi (Boraginaceae, còn gọi là họ Vòi voi). Loài thực vật này ban đầu có danh pháp khoa học là Tournefortia argentea, nhưng sau đó từng được đổi thành Argusia argentea. Gần đây, danh pháp khoa học của nó được chuyển trở lại thành Tournefortia argentea trong một thời gian; để rồi sau đó lại có danh pháp khoa học mới là Heliotropium foertherianum (từ năm 2003). Như vậy, loài cây này không phải là hiếm và đã được các nhà thực vật học thế giới khảo sát và phân loại từ khá lâu.

Tại Việt Nam, cây mọc hoang tự nhiên tại các đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Côn Đảo, Bãi Canh (Bà Rịa – Vũng Tàu) và đặc biệt là mọc (và sau đó được trồng) nhiều ở quần đảo Trường Sa.

Ai từng ra Trường Sa, sẽ thấy có nhiều cây bàng tán rộng, lá xanh sum sê tỏa bóng mát. Nhưng đi xa vùng dân cư, vào những nơi đất khô cằn, đầy nắng gió, sóng biển mặn táp cả lên bờ, ta sẽ thấy có những lùm cây phong ba âm thầm mọc trên cát nóng. Do cây có khả năng sinh trưởng rộng, dễ thích nghi, có thể phát triển tốt ở các vùng biển, đảo, chịu được gió bão, nước mặn và có thể sống tốt trên bãi cát san hô nên thường được các chiến sĩ ta trồng ven biển để chắn gió và cố định cát. Cây cũng được trồng làm cây bóng mát, tạo cảnh quan cho các công trình trên đảo. Lá cây có thể làm thuốc chữa rắn biển cắn… Và cây phong ba trở thành người bạn không thể thiếu của người lính giữa biển khơi.

pRv6KloY.jpg

Lúc đầu, cây chưa có tên, nhưng rồi dần dà, không biết từ lúc nào, người dân vùng biển và các chiến sĩ ngoài biển đảo đã gọi nó là cây phong ba. Thật tiếc là ngữ liệu của chúng tôi chưa đủ nhiều để có căn cứ khẳng định tên của cây xuất hiện chính xác từ bao giờ, có lẽ nó cũng chỉ xuất hiện rải rác trên báo chí trong vòng vài chục năm trở lại đây. Chỉ biết rằng, đây quả là một cái tên độc đáo, bởi “phong ba” là một danh từ người Việt dùng để chỉ “gió to và sóng lớn” và tổ hợp từ này thường được dùng để chỉ “những khó khăn, trở ngại lớn trong cuộc sống”. Với các chiến sĩ ngoài hải đảo, cây phong ba như một hình ảnh ẩn dụ, chỉ ý chí hiên ngang, không sợ mọi hiểm nguy trước thiên nhiên, trước kẻ thù, như những lời trong bài hát “Cây phong ba trên đảo xa”: Cây phong ba trên đảo Trường Sa. Như chú hiên ngang đêm ngày giữ đảo. Mắt vẫn đăm đăm, súng chắc trong tay. Cho cánh hải âu yên lành bay trong nắng…

Cây phong ba đã trở thành biểu tượng của lòng can đảm, ý chí bất khuất của đất và người Việt Nam giữa biển khơi, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc:

Phong ba đứng giữa đất trời

Hiên ngang dáng đứng con người Việt Nam…

Cây phong ba – loài cây giản dị vẫn tỏa bóng mát yên bình nơi đảo xa…

Nguồn: Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

Tin Liên Quan