Các loài phong lan rừng phổ biến ở Việt Nam

1. Phong lan đơn thân
Lan đơn thân là những loài lan sống bám trên thân cây hay vách đá, thân phát triển vươn dài theo một trục. Hầu hết đây là những loài lan có xuất xứ từ vùng núi thấp hay núi cao trung bình, dễ trồng và dễ ra hoa ở miền Bắc. Theo hình thái của cây và yêu cầu về nuôi trồng có thể chia nhóm lan này thành 2 dạng:

1.1. ​Lan có thân vươn dài và rễ khí:

Thân lan vươn dài, cây lớn. Rễ lớn mọc ra từ nhiều điểm dọc theo chân. Rễ cây có thể bám vào các vật cứng ở gần hay buông dài trong không khí. Cách trồng những loài lan này thường là buộc vào gỗ treo lên hay buộc thân cây trong sân vườn. Cũng có thể trồng chậu nhưng chậu chỉ có ý nghĩa làm giá đỡ cho cây, còn rễ cần được tự do phát triển. Đây là nhóm lan rừng dễ trồng nhất, gồm một số chi lan đáng chú ý.

  • Chi Lan Giáng hương (Aerides)

Chi Giáng hương ở Việt Nam có 8 loài, là những loài Phong lan đơn thân được ưa chuộng bởi có hoa chùm dại, màu sắc tươi và hương thơm. Do có kích thước lớn, các loài Giáng hương thường dùng để trang trí sân vườn, nơi có không gian rộng.

Các loài Giáng hương có xuất xứ từ vùng núi thấp hay núi cao trung bình, hầu hết dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Phần lớn các loài cần được che bóng một phần, trồng ở điều kiện 40-70% ánh sáng trực tiếp. Mùa hè cần tưới nhiều nước nhưng tránh để đọng nước ở rễ. Mùa đông giữ ẩm vừa phải. Bón phân hàng tháng trong mùa sinh trưởng. Trồng chủ yếu là do bám gỗ hay thân cây để bộ rễ phát triển tự do, hạn chế chuyển chậu, thay gỗ vì làm tổn thương nhiều đến rễ.

Chi Giáng hương được dùng phổ biến đẻ lai với các chi lan Vanda, lan Nhện, Hồ điệp, Phượng vĩ.

Lan Giáng hương thơm (Aerides odorata)

Giáng hương thơm còn được gọi là Quế lan hương. Cây có thân dài đến 1m, mập. Lá hình dài, dài 15-30cm. Cụm hoa dài bằng lá, rủ. hoa xếp dày, khá lớn. Cánh môi cuộn hình ống rộng, có cựa cong ra phía trước làm cho hoa có hình dáng con ong. Hoa thơm, màu từ trắng tinh đến phớt hồng. Loài lan này gặp cả ở vùng núi đá và núi đất thấp.

Giáng hương thơm (Aerides odorata)

Cây lớn, nhiều nhánh ở gốc tạo thành bụi, khi ra hoa làm cây trang trí sân vườn rất hiệu quả. Hoa nở vào dịp 2/9, tương đối bền. Loài dễ trồng, cần để chỗ râm mát, khoảng 40-70% ánh sáng trực tiếp. Tưới nhiều và bón phân hàng tháng vào đầu mùa sinh trưởng từ tháng 4 đến tháng 8. Sau khi cây ra hoa, giữ độ ẩm vừa phải, không để cây bị khô, không bón phân cho tới mùa xuân năm sau.

Ngoài giống thường gặp có hoa màu trắng vàng, ở Việt Nam còn có 2 giống:

– Giáng hương thơm hoa trắng (Ae. Odorarata var alba) có hoa màu trắng tím, cụm hoa thẳng đến hơi rủ, nở tháng 8-9. Giống ít gặp, có ở miền Trung.

– Giáng hương hồng nhạn (Ae. Odorarata var micholitzii) có hoa màu hồng tím, nở vào tháng 4-5, cụm hoa thẳng, không thơm, thân ngắn, lá xếp dầy. cây đặc hữu Tây Nguyên, dễ trồng ở miền Bắc.

* Lan Giáng hương Quế nâu (Aerdes houlletiana)

Còn gọi là Tam bảo sắc. Cây có thân dài, mập. Lá hình dải, dài, mảnh hơn Giáng hương thơm. Cụm hoa rủ, hoa lớn, xếp dày. Hoa màu vàng cam hay nâu nhạt với phần đầu cánh màu tím. Cánh môi chia làm 3 thùy, thùy giữa rộng, mép có răng mịn nhăn nheo, giữa thùy có vạch đậm. Màu sắc hoa có thể thay đổi tùy từng cây từ trắng tím vàng tím. Loài này gặp ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ, là một những loài lan đặc trưng của dãy Trường Sơn. Cây mọc chủ yếu trên các vùng núi đất có độ cao thấp.

Giáng hương quế nâu - Aerides houllettiana

Giáng hương quế nâu – Aerides houllettiana

Cây lớn có nhiều màu sắc, thơm thích hợp cho trồng treo trang trí ngoại thất rất có hiệu quả. Hoa nở vào tháng 4-5, tương đối bền. Loài dễ trồng, ưa bóng râm, chịu 40-70% ánh sáng trực tiếp. Giống như Giáng hương thơm, loài này cần tưới nhiều nhưng tránh đọng nước vào mùa sinh trưởng và giữ ẩm vừa phải vào mùa đông. Phân bón chủ yếu vào đầu mùa sinh trưởng, không bón trong mùa lạnh.

Loài tương tự hay gặp là Giáng hương Quế (Ae. Falcata), phân biệt là hoa có màu vàng nhạt hơn và mùi thơm không bằng Giáng hương Quế nâu.

* Lan Giáng hương nhiều hoa (Aerides multiflora) (còn gọi là Thạch hoa)

Người chơi lan thường gọi là lan Đuôi cáo. Cây có thân ngắn, mập, lá hình dải, dài. Cụm hoa rủ, hoa nhỏ, xếp dài thành bông, màu trắng có đốm tím ở gốc và đỉnh màu tím. Cánh môi không tạo cựa, chia làm 3 thùy, thùy giữa hình tam giác, màu tím đậm. Màu sắc hoa có thể thay đổi tùy từng cây. Cây mọc rải rác từ Bắc vào Nam chủ yếu trên các vùng đất độ cao thấp.

Loài lan này có thân cây gọn gàng, hoa có màu sắc tươi tắn, thích hợp cho trồng chậu treo trang trí bên cửa sổ, ban công lớn. Hoa nở tháng 5-6, tương đối bền. Cây dễ trồng, chăm sóc tương tự như Giáng hương thơm và Giáng hương quế nâu. Tuy nhiên loài này khó ra hoa hơn và nhạy cảm với nước đọng. Chú ý để cây chỗ sáng vào mùa đông.

Loài tương tự có thể gặp là Giáng hương Hồng (Ae. Rosea) có người gọi là Đuôi cáo có lá dày và cuộn, xếp dầy trên thân hơn, hoa đậm màu hơn. Loài này gặp rải rác ở Lai Châu hoặc một số tỉnh phía Nam.

Tin Liên Quan