Tết Nguyên đán tới đây, miền Bắc sẽ có loại mai vàng ra hoa đúng vào dịp Tết. Loại mai này là kết quả nhân giống bằng phương pháp ghép mắt mai vàng Yên Tử (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) với gốc mai vàng miền Nam
Theo những nghiên cứu gần đây của nhóm các chuyên gia Viện Nghiên cứu rau quả , cây mai vàng Yên Tử và cây mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài (Ochna integerrima L. Merr). Trên cơ sở khảo sát sự giống nhau giữa mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam, các nhà khoa học thuộc Viện đã ghép thành công mai vàng Yên Tử trên gốc mai vàng miền Nam.
Thành công này mở ra một cơ hội lớn trong việc bảo tồn và phát triển mai vàng Yên Tử, đồng thời cũng thể hiện sự hòa hợp giữa 2 miền Nam Bắc.
Từ miền Nam, Mai ra miền Bắc…
Mai vàng Yên Tử sống trong nền khí hậu có nhiệt độ thấp về mùa đông nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm. Đó chính là những vẻ đẹp riêng của mai vàng Yên Tử. Ngoài ra hoa mai Yên Tử có mùi thơm nhẹ, có màu vàng sáng và có 5 cánh. Trong khi đó mai vàng miền Nam lại có nhiều màu (vàng sáng, vàng nhạt…), hoa có giống 5 cánh, giống nhiều hơn hoặc ít hơn 5 cánh và cũng không nở theo chùm.
Theo TS. Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả Việc nhân giống bằng phương pháp ghép mắt mai vàng Yên Tử vào gốc mai vàng miền Nam và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây mai này nở hoa vào đúng dịp Tết sẽ cho ra những cây mai vàng sinh trưởng khỏe, nhanh ra hoa, hoa có mùi thơm.
KS Phùng Tiến Dũng – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, một nhiệm vụ nữa mà nhóm nghiên cứu đặt ra là phải nhân giống để bảo tồn và phát triển giống mai quý của miền Bắc. Hàng loạt biện pháp đã được thực hiện: gieo hạt, giâm cành, ghép cành…, song việc ghép cành mai vàng Yên Tử trên các gốc mai vàng miền Nam lại cho kết quả cao nhất. Các nhà khoa học đã tiến hành ghép các cành bánh tẻ được lấy từ các cây mai Yên Tử đầu dòng với các gốc mai vàng miền Nam. Kết quả cho tỷ lệ bật mầm sau 3 tháng đạt trên 95%, tỷ lệ cây ghép sống đạt 85%.
Bảo tồn nguồn gen quý
TS Đặng Văn Đông cho biết, miền Bắc vốn không trồng được mai vàng, muốn có mai vàng phải vận chuyển từ miền Nam ra rất tốn kém và không giữ được lâu do mai không thích nghi được với thời tiết miền Bắc.
Việc nhân giống thành công mai vàng Yên Tử giúp cho miền Bắc có thể chủ động được nguồn hoa đẹp này. Không những vậy, do được trồng ở miền Bắc, nên sau dịp Tết, người dân miền Bắc có thể đánh cây trồng xuống đất để có cây phục vụ Tết năm sau.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu rau quả đã trồng được 10.000 cây mai vàng Yên Tử giống với giá thành là 40.000 đồng/cây giống. Viện đã tiến hành chuyển giao quy trình cho một số địa phương như Thanh Hóa, Bắc Giang… Để phục vụ cho dịp tết Nguyên Đán sắp tới, Viện đã chuẩn bị được khoảng 400-500 chậu mai vàng với mức giá từ 400-500 nghìn đồng/chậu.