Quanh khu vực núi Yên Tử thuộc Thị xã Uông Bí – Tỉnh Quảng Ninh có một hệ thực vật vô cùng phong phú, trong đó, mai vàng Yên Tử là một trong các loài hoa – cây cảnh có giá trị. Theo những nghiên cứu gần đây của nhóm các chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả, cây Mai vàng Yên Tử và cây Mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài (Ochna integerrima L. Merr.). Tuy nhiên, Mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu có nhiệt độ thấp về mùa đông nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, về hương thơm, đó chính là những vẻ đẹp riêng của Mai vàng Yên Tử. Rừng “Đại lão Mai vàng” được phân bố chủ yếu quanh khu vực núi Yên Tử của tỉnh Quảng Ninh. Theo những đánh giá ban đầu, ước định tuổi của khu rừng mai này vào khoảng 800 năm và cũng là thời gian trùng với sự kiện vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con về Yên Tử tu hành (năm 1285 – 1288). Vì vậy, rất có thể rừng Mai vàng Yên Tử là do vua Trần Nhân Tông trồng khi mới tu hành. Từ đó, Mai vàng Yên Tử không chỉ đơn thuần mang vẻ đẹp của những bông mai vàng bình thường mà còn có ý nghĩa lịch sử và nhân văn. Theo những nghiên cứu gần đây của nhóm các chuyên gia Viện Nghiên cứu Rau quả, cây Mai vàng Yên Tử và cây Mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài (Ochna integerrima L. Merr.). Tuy nhiên, Mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu có nhiệt độ thấp về mùa đông nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, đó chính là vẻ đẹp riêng của Mai vàng Yên Tử. Không những thế, khi bông Mai vàng Yên Tử mới nở còn tỏa ra một hương thơm thanh thoát, chay tịnh, làm cho lòng người như được về với cõi linh thiêng của đất phật Yên Tử. Rừng “Đại lão Mai vàng” phân bố tại nhiều điểm quanh núi Yên Tử. Ở khu vực chùa Đồng Yên Tử có phân bố tại các điểm như Thác Vàng, Thác Bạc, chùa Một mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái. Ở khu vực gần xã Tây Sơn (Đông Triều) thấy có nhiều ở các điểm Dốc Ranh, Khe Chè, chùa Hồ, Trại Lốc, chùa Ba Bậc, Dốc Hẩy, Cát Đen, Tràng Lương… Tại mỗi điểm, số lượng cây Mai vàng sinh sống từ hàng chục đến hàng trăm cây với độ tuổi từ vài chục tuổi đến vài trăm tuổi. Tuy nhiên, vì những cái lợi trước mắt, người dân địa phương đã tự ý khai thác và khai thác một cách triệt để dẫn đến số lượng cây Mai vàng giảm đi đáng kể. Một điều rất đáng quan tâm là những cây Mai vàng nhiều năm tuổi có giá trị lớn hơn nên người dân địa phương lại tập trung khai thác những cây này trước. Đây lại là những cây có chiều cao trên 10 mét và mọc trên các vách núi đá nên họ muốn lấy cành thì phải chặt hạ cả cây. Sau đó, những gốc Mai này được họ đánh lên để bán cho những người sưu tầm. Do không có kỹ thuật trồng và chăm sóc nên tỷ lệ cây chết rất nhiều. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, không bao lâu nữa rừng “Đại lão Mai vàng” sẽ bị cạn kiệt. Mai vàng Yên Tử hay chính là Mai vàng miền Bắc, đó là một nguồn gen vô cùng quý giá cần phải được các cơ quan có thẩm quyền của địa phương quan tâm và có các giải pháp bảo tồn. Bên cạnh đó, cần phải phát triển cây Mai vàng Yên Tử thành sản phẩm hàng hoá đặc hữu của vùng rừng Yên Tử. Làm sao để nguồn gen Mai vàng Yên Tử không những trở thành sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của con người mà vẫn bảo tồn được rừng Mai vàng. Nếu chúng ta không đi đúng hướng, nguồn gen quý “Đại lão Mai vàng” sẽ có nguy cơ tuyệt chủng! Theo TS. Đặng Văn Đông – Bộ môn Hoa và Cây cảnh