“Cơn lốc” cây cảnh vượt biên

Theo đánh giá của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn): phượng, xà cừ, lộc vừng, lội… là những loại cây được tạm nhập, tái xuất nhiều nhất trong thời gian qua. Đáng chú ý, có không ít trường hợp nộp hồ sơ làm thủ tục xuất khẩu qua biên giới từ 150- 160 cây, thậm chí còn tới 240 cây, trong đó chiếm đa phần là cây xà cừ, cây xoan.

 Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là tình trạng cây cảnh, cây bóng mát có giá trị lớn từ các tỉnh miền xuôi ồ ạt vượt biên sang Trung Quốc những ngày qua. Nhìn từ thực tế này mới thấy, nguồn tài nguyên cây xanh của nước ta đã và đang bị mất dần một cách vô cùng lãng phí.

Xuất khẩu cây cảnh: Nhộn nhịp như chợ

Dù đã nghe nhiều về việc thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây gỗ tròn qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc, song khi có mặt tại trục quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước nhiều chiếc xe sơmi rơmoóc “thồ” trên mình vô số cây cảnh, cây bóng mát có chiều dài gần chục mét theo hướng Hà Nội – Lạng Sơn. Có những xe, do khổ cây lớn nên chỉ có thể vận chuyển được 1-2 cây.

Rất nhiều xe ôtô đang xếp hàng ở cửa khẩu Tân Thanh chờ làm thủ tục xuất hàng.

Anh Tuyên, nhà ở mặt quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, việc vận chuyển cây cảnh, cây bóng mát có chiều dài cũng như bán kính to của các xe sơmi rơmoóc diễn ra thường xuyên. Điểm tập kết cuối cùng của số cây cảnh, cây bóng mát này chính là các cửa khẩu vùng biên như: Tân Thanh, Hữu Nghị… tỉnh Lạng Sơn.

Theo sự chỉ dẫn của anh Tuyên cũng như một số nguồn thông tin có liên quan, chúng tôi có mặt tại một số điểm cửa khẩu biên giới. Tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn, sáng 14/7, nhiều xe tải, xe siêu trọng nối đuôi nhau làm thủ tục xuất khẩu, xuất cảnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, bên cạnh các mặt hàng như linh kiện kỹ thuật, máy móc, thời gian qua, Hải quan Cửa khẩu cũng đã tiếp nhận và xử lý không ít hồ sơ liên quan đến hoạt động tạm nhập, tái xuất cây cảnh, cây bóng mát qua địa bàn sang Trung Quốc.

Từ tháng 1 đến hết tháng 5/2011, Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị đã làm hồ sơ tạm nhập, tái xuất cây cảnh, cây bóng mát, cây gỗ tròn qua biên giới là 148 bộ. Số lượng cây xuất khẩu theo đó lên đến hàng nghìn cây các loại. Còn số hồ sơ tái xuất cây cảnh, cây bóng mát, cây gỗ tròn trong thời gian này là 118 bộ.

Theo đánh giá của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị: phượng, xà cừ, lộc vừng, lội… là những loại cây được tạm nhập, tái xuất nhiều nhất trong thời gian qua. Đáng chú ý, có không ít trường hợp nộp hồ sơ làm thủ tục xuất khẩu qua biên giới từ 150- 160 cây, thậm chí còn tới 240 cây, trong đó chiếm đa phần là cây xà cừ, cây xoan.

Hoạt động tạm nhập, tái xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây gỗ tròn càng trở nên nhộn nhịp hơn tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Khi chúng tôi có mặt cửa khẩu, mặc dù trời đổ mưa to, nhưng dòng xe tải, container chở hàng vẫn nối đuôi nhau chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho hay, gần đây, hoạt động tạm nhập, tái xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát sang Trung Quốc diễn ra phổ biến. Thời gian qua, Chi cục đã làm thủ tục xuất khẩu cho 121 trường hợp có nhu cầu xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát qua biên giới, đó là chưa kể đến 39 bộ hồ sơ tái xuất khẩu.  

“Đầu nậu” lách luật

Mục sở thị tại các cửa khẩu, chúng tôi thấy một thực tế rất đáng bàn. Dù gọi đó là cây cảnh, cây bóng mát, nhưng có những cây có nhiều cây có đường kính tới 100cm, dài 4m, thậm chí có cây có độ cao 11-12,5m. Đơn cử như trường hợp của chủ hồ sơ là chị Nguyễn Thị N., ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã làm thủ tục xuất khẩu cho 4 cây bồ đề, mỗi cây có chiều cao 12,5m.

Hay như trường hợp của chủ hồ sơ là chị Lộc Thị Thanh B., thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc 1 cây đa nhóm 8, đường kính 222cm, dài 12m. Chưa hết, số các cây cảnh xuất khẩu qua biên giới trong thời gian này còn có cả chủng l

oại cây săng lẻ, cây bằng lăng có tuổi thọ lâu đời. Một câu hỏi được đặt ra: “Liệu số cây này có phải là thuộc nhóm cây cảnh được xuất khẩu qua đường chính ngạch?”.

Trao đổi vấn đề này với ông Phó chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh Trần Văn Nghĩa, chúng tôi được biết, quy định chỉ nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chứ không cấm đối với cây cảnh trồng tại nhà dân có xác nhận của chính quyền địa phương. Thế nên, đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức có đầy đủ hồ sơ xác nhận cây cảnh, cây bóng mát do hộ dân trồng tại vườn do chính quyền xã, kiểm lâm địa phương, lực lượng Hải quan đều tổ chức làm thủ tục để xuất khẩu sang bên kia biên giới.

Theo ông Nghĩa, có thể nhận thấy ít có hộ dân nào lại trồng cây có kích thước cao tới hơn 10m, đường kính gần mét trong vườn nhà mình với số lượng lớn như vậy cả. Nhưng cái khó ở đây đó chính là khi xe sơmi rơmoóc vận chuyển số cây này cùng với hồ sơ xác nhận của chính quyền địa phương tới làm thủ tục, lực lượng Hải quan dù phân vân về số lượng cây quá lớn, được vận chuyển ồ ạt nhưng cũng chỉ biết căn cứ vào giấy xác nhận mà doanh nghiệp mang kèm để làm thủ tục cho họ.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, ông Trần Bằng Toàn cũng chung cách lý giải này khi cho rằng, do các cây cảnh, cây bóng mát đến cửa khẩu làm thủ xuất khẩu sang Trung Quốc đều có đầy đủ giấy xác nhận của chính quyền địa phương về nguồn gốc “cây được trồng trong vườn” nên dẫu biết rằng đây không phải là cây cảnh đơn thuần, nhưng theo quy định, đơn vị vẫn phải làm thủ tục xuất khẩu qua biên giới.

Tiếp xúc với một số người buôn cây cảnh dạng này, chúng tôi được biết, lợi dụng quy định chỉ được xuất khẩu các cây cảnh, cây bóng mát có nguồn gốc xuất xứ từ vườn của các hộ dân, nên nhiều chủ buôn đã tổ chức đi thu gom các cây cảnh, thậm chí còn khai thác trái phép sau đó đưa về khu vườn nhà mình trồng. Tại vườn, để hợp thức hóa thủ tục xuất khẩu cho cây cảnh, các “đầu nậu” này đã ém cây, trồng tại vườn của mình trong một thời gian nhất định. Kế đó sẽ làm đơn đến xã xác nhận cho số cây cảnh trong vườn là do mình trồng, chăm bón. Trong trường hợp này, nếu chính quyền các xã không xác minh rõ nguồn gốc sẽ gián tiếp tiếp tay cho hoạt động buôn bán cây cảnh trá hình dạng này.

Khi đã có trong tay chứng nhận của UBND xã rồi, các “đầu nậu” sẽ làm thủ tục xin lực lượng kiểm lâm chuyên trách “đóng dấu”… để thực hiện mục đích tiếp theo của mình đó là “tuồn” cây cảnh, cây bóng mát sang bên kia biên giới theo đơn đặt hàng trước đó. Có lẽ đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tại nhiều tuyến đường, khu vườn tại một số địa phương như huyện Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội); Bắc Giang, Ninh Bình… bỗng nhiên lại xuất hiện nhiều cây bóng mát, cây cảnh có thân bằng cả một người ôm đến vậy.

Những cây bóng mát lâu đời như thế này luôn là mục tiêu của những tay buôn cây cảnh.

Siết chặt quản lý để tránh hệ lụy phá rừng

Liên quan đến vấn đề này, tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các bộ, ban, ngành có liên quan về việc nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn, có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước. Đối với các cây cảnh gây trồng trong dân; cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc nhập khẩu (tạm nhập, tái xuất); khi xuất, nhập khẩu phải được kiểm tra chặt chẽ; việc cấp phép xuất, nhập khẩu phải bảo đảm đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết…

Tuy nhiên, sau khi văn bản trên có hiệu lực, dưới những chiêu “né” luật cũng như sự lơi lỏng trong khâu tiền kiểm của chính quyền một số địa phương là một trong những nhân tố gián tiếp tạo ra lỗ hổng trong công tác quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, tái xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát trong thời gian qua.

Làm việc với chúng tôi, ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2011, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục xuất khẩu 118 bộ hồ sơ, trong đó số cây xuất khẩu là 3.422 cây. Các địa phương có nguồn gốc cây xuất khẩu chủ yếu từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Để quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ theo tinh thần Công văn số 2239/TTg – KTN ngày 8/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy chế về xuất, nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc cây trồng trong dân hoặc tạm nhập tái xuất để có căn cứ cho việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát trong quá trình làm thủ tục Hải quan tại cửa khẩu. Đặc biệt, việc xác nhận nguồn gốc của cây bóng mát, cổ thụ cần được giao cho cấp có thẩm quyền cao hơn.

Nguyễn Hưng – Trần Huy

Theo Công an nhân dân

Tin Liên Quan